Chuyến đi tìm hiểu về mô hình chăm sóc người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam, như một cơ duyên đưa đẩy Thầy giáo người Nhật Bản Tshuchihashi Masayuki đến với Trung tâm Chăm sóc NCT Nhân Ái. Tấm lòng cởi mở nồng hậu, sự đón chào thân thiện của Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm ngày ấy có sức cuốn hút đặc biệt với thầy Tshuchihashi Masayuki cho đến tận bây giờ…
Ấn tượng mô hình đào tạo “Nói thật, làm thật”
Thầy Tshuchihashi Masayuki trong một buổi tổ chức các hoạt động thể thao nhẹ nhàng cho NCT tại Nhân Ái.
Ấn tượng mô hình đào tạo “Nói thật, làm thật”
Từng làm Chăm sóc viên NCT ở đất nước Nhật Bản, thầy Tshuchihashi Masayuki đã chứng kiến nhiều thực tập sinh Việt Nam khi đến Nhật Bản đã bị “sốc” vì công việc thực tế hoàn toàn khác xa so với những gì họ tưởng tượng, và rõ ràng tâm lý chưa được chuẩn bị. Đây là một trong những lý do khiến nhiều thực tập sinh ở Việt Nam khó có thể bắt nhịp được với yêu cầu của các cơ sở chăm sóc NCT tại Nhật Bản.
Nhưng khi đến với mô hình đào tạo của Trung tâm Nhân Ái, thầy Tshuchihashi Masayuki thực sự có cảm hứng bởi những gì “tai nghe mắt thấy” – đó là một mô hình “đào tạo kép”, “học đi đôi với hành”. Nhìn các bạn trẻ hào hứng, chăm chú khi nghe giảng và thực hành chăm sóc NCT tại Trung tâm, Tshuchihashi Masayuki thực sự bị chinh phục, bởi ở đây “nói thật, làm thật”.
Đó là nguyên nhân “giữ chân” thầy ở lại, cùng đồng hành “tiếp sức” thêm cho các bạn trẻ Việt Nam theo đúng tiêu chí kỹ năng nghề chăm sóc viên NCT ở Nhật Bản. Thầy cũng mở lòng, luôn sẵn sàng kết nối các bạn trẻ có ước mơ đến làm việc tại đất nước Nhật, với cơ hội việc làm và mức thu nhập ổn định, đồng thời sở hữu kỹ năng nghề bền vững khi trở lại Việt Nam làm việc.
Khi đặt chân đến Việt Nam, thầy Tshuchihashi Masayuki nhận thấy mô hình chăm sóc NCT ở Việt Nam còn mới mẻ, trong khi ở Nhật Bản có đến hơn 40.000 cơ sở chăm sóc NCT.
Thầy cho biết: “Thuật ngữ “Chăm sóc viên” dịch sang tiếng Nhật nghĩa là “KAIGO”. Hiện nay, nhu cầu chăm sóc NCT ở Nhật là rất lớn, do tỷ lệ NCT ngày càng tăng, nhưng nguồn nhân lực làm trong nghề này còn rất ít. Đất nước chúng tôi hiện tại và tương lai rất cần tiếp nhận chăm sóc viên là người nước ngoài, mà Việt Nam có nguồn nhân lực rất tiềm năng. Mô hình hoạt động đào tạo đội ngũ chăm sóc viên NCT ở Nhân Ái là hiếm có, ngay từ đầu các bạn trẻ đến đây đã nhận biết rõ tính chất công việc tại Trung tâm Chăm sóc NTC. Chính vì thế, các học viên sẽ bắt nhịp với việc học tập, trau dồi kỹ năng và đặc biệt hơn cả là thái độ nghề nghiệp. Các bạn trẻ ở Trung tâm Nhân Ái đã khẳng định được kỹ năng toàn diện cả về năng lực tiếng Nhật, cũng như các kỹ năng chăm sóc, làm quen công việc rất nhanh và đem đến sự hài lòng cho các công ty tiếp nhận”.
Chăm sóc NCT không phải như một… robot
Trước khi đến với nghề Chăm sóc viên NCT, thầy Tshuchihashi Masayuki từng làm đạo diễn, sản xuất video quảng cáo, nhưng công việc khá bận rộn, kèm theo đó là những khủng hoảng về kinh tế, công việc trở nên khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nhân lực chăm sóc NCT lại ngày càng khan hiếm nên thầy Tshuchihashi Masayuki đã chuyển hướng sang làm việc ở lĩnh vực này và cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với công việc trước đây khi được góp phần giúp đỡ người khác.
Nhìn đôi tay thoăn thoắt với kỹ năng thuần thục, thái độ ân cần, niềm nở của thầy Tshuchihashi Masayuki khi dạy kỹ năng cho các học viên, hay những buổi hướng dẫn thực hành thực tế tại Trung tâm Nhân Ái…mới thấy để làm chăm sóc viên NCT cần rất nhiều kỹ năng.
- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phụ nữ, trẻ em gái cần được tiếp cận bình đẳng với Vắc xin Covid-19
- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng 15 % lương hưu từ năm 2022 để bù trượt giá
- Ảnh hưởng Covid-19: Năm 2021, vẫn áp dụng chuẩn nghèo của giai đoạn 2016-2020
- 6 nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên để nâng cao đời sống người có công
- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Chia sẻ về những kinh nghiệm làm nghề, thầy Tshuchihashi Masayuki cho biết: “ Những quan niệm về chăm sóc NCT không giống với “người giúp việc”, không đơn thuần là hỗ trợ ăn uống, tắm rửa như người giúp việc, mà người chăm sóc còn đóng vai trò hỗ trợ tự lập, tôn trọng cá nhân đối với NCT. Đó là 2 mục tiêu quan trọng trong chăm sóc NCT của Nhật Bản. Nếu học viên không nắm được mục tiêu này, khi sang Nhật sẽ khó có thể làm việc được. Chăm sóc đối tượng là con người, chứ không phải như robot làm trong nhà máy nên việc giao tiếp rất quan trọng, đòi hỏi cả chiều sâu tâm lý với từng NCT. Vì thế, thực tập sinh sang Nhật làm việc cũng cần phải có khả năng ngoại ngữ nhất định để hiểu được yêu cầu, chỉ thị của cấp trên, đồng nghiệp sau đó thực hiện và báo cáo lại”.
Sự hỗ trợ tự lập chính là khuyến khích NCT làm những việc họ có thể tự mình làm, chăm sóc viên chỉ hỗ trợ những việc mà NCT không thể tự làm được. Đặc biệt, trong hành trình 10 năm gắn bó với nghề, thầy Tshuchihashi Masayuki chia sẻ những cái khó trong chăm sóc NCT bị suy giảm trí nhớ – Alzheimer.
Trước đây, nhiều người sợ NCT bị mắc bệnh này nên thường xa lánh họ. Nhưng hiện nay, suy nghĩ đó đã thay đổi, đòi hỏi người chăm sóc viên bước vào nghề luôn có tâm thái ôn hòa, linh hoạt ứng xử chăm sóc phù hợp để NCT bị suy giảm trí nhớ để có thể hòa nhập với cộng đồng.
Cùng đó, những người chăm sóc viên cùng phải lập kế hoạch chăm sóc với đối tượng mà họ chịu trách nhiệm, bởi chỉ có họ mới có thể hiểu được tâm tư, tình cảm, sức khỏe của NCT tuổi đó để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thầy Tshuchihashi Masayuki khẳng định: “Với tôi, càng tìm hiểu về cách chăm sóc NCT, tôi càng đam mê và yêu thích công việc này”.
“Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ Việt Nam hướng về tương lai”
Gần như bận rộn với công việc đào tạo cả tuần cho cả những giờ dạy lý thuyết và thực hành, tiếp xúc gần gũi với học sinh, thầy Tshuchihashi Masayuki đã truyền động lực, những tư duy tích cực và thái độ nghề nghiệp chân chính với nghề chăm sóc NCT.
Những học trò tại Trung tâm Nhân Ái học được cách lan tỏa tình yêu thương với NCT từ thầy Tshuchihashi Masayuki. Các bạn trẻ duy trì một thái độ tốt, không ngừng trau dồi kỹ năng nghề, cùng với đức tính chăm chỉ, giao tiếp tốt với NCT nên rất phù hợp công việc chăm sóc.
Thầy chia sẻ thêm: “Tôi luôn khuyến khích các em nghĩ về tương lai, các em làm chăm sóc không phải chỉ nghĩ đó là thứ nhỏ nhặt như việc thay bỉm, vệ sinh cá nhân…, mà chính là mình đang góp phần cho xã hội Việt Nam ngày càng phát triển. Cùng với đó là hỗ trợ nguồn nhân lực có kỹ năng cho đất nước Nhật Bản. Bây giờ, Việt Nam chỉ có khoảng trên 30 cơ sở, nhưng trong tương lai, chắc hẳn sẽ có hàng nghìn nhà dưỡng lão… nên cơ hội việc làm với các em là rất lớn”.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh- TGĐ Công ty CP Quốc tế Nhân Ái
Trên Thế giới, Chăm sóc viên NCT được công nhận là một trong những nghề thuộc lĩnh vực Công tác xã hội và nguồn nhân lực ở nghề này luôn được coi trọng và tôn vinh. Ở Việt Nam, với sự ra đời của Ngày Công tác xã hội Việt Nam kể từ 25/3/2016, nghề Chăm sóc viên NCT đã được công nhận là một trong những nghề CTXH chính thống.
Trong bối cảnh thực trạng già hóa dân số ở Việt Nam và các nước phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực Chăm sóc viên cho NCT là rất lớn. Vì thế, vai trò của đội ngũ chăm sóc viên NCT trong việc trợ giúp các hoạt động của NCT mang tính chuyên nghiệp rất quan trọng và cần được khuyến khích phát triển. Họ cần được tôn vinh nhiều hơn nữa. Nghề chăm sóc NCT không chỉ mang lại giá trị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, mà còn đóng góp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu vì một xã hội phát triển. Không nằm ngoài giá trị đó, Nhân Ái luôn tự hào bởi sự đóng góp cho công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động là Chăm sóc viên NCT chuyên nghiệp ở trong và ngoài nước”.