NCT được phục vụ như ở khách sạn 5 sao

Sáng sáng, khi con gái gọi taxi đến cửa nhà, bà Đoàn Thị Bích Đào và chồng (ở Hà Nội) lại dắt nhau lên xe. Đúng 8h, ông bà có mặt ở trung tâm dưỡng lão.

Sau những bài tập thể dục nhẹ nhàng, ông bà ngồi vào bàn nhâm nhi cốc nước ép dưa hấu. Bà rôm rả trò chuyện với các bạn già. Cùng nhau ôn lại chuyện hôm trước được đi thăm Bờ Hồ, phố cổ vui ra sao.

Hết giờ uống nước, các ông bà được chia thành từng nhóm nhỏ để tập các bài tập phục hồi chức năng chuyên sâu. Các bài tập thiết kế phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.

nguoi cao tuoi di ban tru
Bà Đào thưởng thức ly nước ép trước khi tham gia bài tập chuyên sâu

11h, những bát bún bò nóng hổi được nêm nếm gia vị đúng với thể trạng bệnh của mỗi cụ được bưng ra. Đâu đó tiếng một cụ bà tấm tắc khen “nước dùng ngon”.

Ở góc này, các nhân viên điều dưỡng đang bón cho một cụ ông tay yếu không tự xúc được. Góc kia lại đang “dỗ” một cụ bà ăn thêm. Có cụ chốc chốc lại đòi “cho tôi về” vì nghĩ mình con trẻ, đang phải đi làm.

“Đó là những lúc các cụ bị mất trí nhớ tạm thời, một lát sau cụ lại minh mẫn trở lại. Những khi ấy, các cụ thường nhớ về thời tuổi trẻ, cứ ngỡ mình mới đôi ba mươi tuổi” – điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thảo Mơ chia sẻ.

Nhân Ái như “một câu lạc bộ”

Không chỉ ăn uống, ngủ nghỉ đơn thuần

Gắn bó với trung tâm chăm sóc người già ban ngày từ những ngày trung tâm mới đi vào hoạt động, chị Mơ cho biết, nhiều người cao tuổi (NCT) không coi nơi này là “viện dưỡng lão”, mà nghĩ mình đang đi trị liệu, sinh hoạt câu lạc bộ.

Các hoạt động của trung tâm không chỉ tập trung vào việc ăn uống, ngủ nghỉ đơn thuần. Buổi sáng, các hoạt động sẽ nghiêng về rèn luyện sức khỏe như tập thể dục, xoa bóp bấm huyệt, mát-xa,… Buổi chiều, các cụ được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như vẽ tranh, đàn hát, làm đồ thủ công,…

Các cụ được chăm sóc từ sức khoẻ đến tinh thần

“Quan trọng hơn, tới đây, các cụ được trò chuyện, có môi trường để duy trì tương tác xã hội. Không chỉ được bác sĩ theo dõi, chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, các cụ còn được tham vấn tâm lý cá nhân và tâm lý theo nhóm hàng ngày, hàng tháng”.

Nữ điều dưỡng cho biết, có những cụ khi được đưa đến trung tâm đã lâm vào tình trạng trầm cảm nhẹ vì suốt một thời gian dài chỉ nhốt mình trong 4 bức tường. Ở nhà, các cụ chỉ xem tivi, điện thoại, dẫn đến mất kết nối với xã hội.

nguoi cao tuoi di ban tru
Bữa trưa nóng hổi được nêm nếm theo thể trạng bệnh của mỗi cụ

Câu chuyện của bà Đào

Bà Đào có sức khỏe tốt và trí tuệ còn minh mẫn nhưng nhiều năm ở nhà, cuộc sống của bà khá đơn điệu.

Đến hôm nay, bà vẫn còn nguyên sự hào hứng dư âm từ buổi dã ngoại tham quan phố cổ, Bờ Hồ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Bà chia sẻ, gia đình bà mấy đời sống ở phố cổ nhưng chuyến đi này vẫn quá tuyệt vời. “Trước đây, tôi sống ở phố Hàng Da, nhưng mấy chục năm nay chuyển sang phố Thụy Khuê.

Thi thoảng, con cái có chở vào phố cổ mua cái này cái kia nhưng nhoáng cái về ngay. Nên quả thực, mấy chục năm nay tôi chưa có chuyến đi nào mãn nguyện như thế. Tôi thấy cái gì cũng mới hơn, đẹp hơn ngày xưa”.

Bà Đào và chồng là ông Nguyễn Xuân Hòa mới sinh hoạt ở trung tâm được khoảng 1 tuần. Khi được 2 con gái động viên tới đây, ông bà có chút e dè. Nghe lời con gái hứa chắc nịch “mẹ cứ đi thử, sẽ thích ngay” nên ông bà cùng nhau tới.

Chỉ mới vài ngày, bà đã thấy mê nơi này và không tiếc lời khen ngợi “từ cô giám đốc tới các cháu điều dưỡng”.

NCT sống cùng con, vẫn đến viện dưỡng lão

Bà Đào – NCT đang sinh hoạt tại trung tâm chia sẻ. Chồng bà năm nay 85 tuổi, mắc bệnh mất trí nhớ khá nặng. “Nhiều khi hỏi ông có mấy đứa con, ông cũng không nói được. Tôi khỏe hơn nhưng cũng có lúc nhớ lúc quên.

Ở nhà, tôi vẫn đi chợ nấu cơm được bình thường nhưng nhiều khi mua rồi quên mất, lại ra chợ mua tiếp. Tủ lạnh lúc nào cũng đầy ứ đồ ăn vì tôi hay quên”.

Ông bà sống cùng một trong hai cô con gái. Nhưng người con này đi làm từ sáng đến 19-20h mới về. Để bố mẹ ở nhà, các con không yên tâm nên động viên bố mẹ tới trung tâm dưỡng lão vui chơi, sinh hoạt cho có bạn bè, lại được ăn uống lành mạnh, tập luyện khoa học.

nguoi cao tuoi di ban tru
Ông Kỷ và vợ đã sinh hoạt ở trung tâm dưỡng lão được gần 3 năm

Ông Phạm Thanh Kỷ, năm nay 85 tuổi đã cùng vợ sinh hoạt ở trung tâm gần 3 năm nay dù các con ông sống ngay cạnh bố mẹ.

Vợ chồng ông Kỷ sống ở một căn chung cư gần trung tâm. Ông có 4 con trai, trong đó có người ở cùng chung tòa nhà với bố mẹ. Các con ông đều có điều kiện kinh tế nhưng ai cũng bận rộn, không thể ở nhà với bố mẹ cả ngày.

Ông còn minh mẫn, đi lại được nhưng bà bị tai biến nặng, phải ngồi xe lăn. Sáng sáng, ông bà đi bộ tới trung tâm. 16h ông bà lại về nhà. Bữa tối, con cháu sang ăn cùng bố mẹ rồi ai về nhà nấy. Cơm nước đã có cô giúp việc lo.

Khó nhất là xóa bỏ thành kiến 

Với kinh nghiệm 17 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc NCT, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – người sáng lập hệ thống dưỡng lão Nhân Ái cho biết, mô hình chăm sóc sức khỏe ban ngày cho NCT hiện còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Hầu hết NCT tìm đến chúng tôi khi sức khỏe đã yếu, nhiều trường hợp nằm một chỗ. Tôi nghĩ, tại sao chúng ta không chăm sóc các cụ khi các cụ còn đang khỏe.

Nhiều người sẽ nói ‘tại sao lại phải đến đây khi ở nhà cũng ăn, cũng chơi, cũng tập thể dục?’. Điều quan trọng là khi đến đây, các cụ có chuyên gia hỗ trợ, được tập luyện thường xuyên, được ăn uống đều đặn.

Việc tập luyện, sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp NCT hạn chế các bệnh lý tuổi già như suy giảm trí nhớ, vận động khó khăn cũng như được động viên về tinh thần”.

nguoi cao tuoi di ban tru
Một chuyến dã ngoại Bờ Hồ, phố cổ của các cụ ở trung tâm dưỡng lão

Ngoài ra, mô hình chăm sóc ban ngày còn giúp NCT vẫn được ở gần con cháu mỗi ngày.

“Ở Việt Nam, để thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe cho người già theo hướng chuyên nghiệp và chăm sóc ngay từ khi còn khỏe vẫn là câu chuyện cần có thời gian.

Những năm qua, số gia đình tìm đến chúng tôi ngày một nhiều. Điều đó cho thấy xã hội đang có những bước tiến rõ rệt trong nhận thức về việc chăm sóc đời sống tinh thần và thể chất cho người cao tuổi”, bà Thanh nói.

Theo Vietnamnet